Kinh tế - xã hội Yên Định

Kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GDP: 9 - 10%/năm. Trong đó:

  • Nông nghiệp: 6,0 - 7,0%/năm
  • Công nghiệp - xây dựng 17 - 19%/năm
  • Dịch vụ - thương mại: 9%/năm
  • GDP bình quân đầu người: tăng gấp 1,5 lần so với năm 2005
  • Sản lượng lương thực: 150 nghìn tấn
  • Năm 2010, hoàn thành nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, 100% trạm y tế xã có bác sĩ
  • Năm 2010, 80% số làng, 100% số gia đình đạt gia đình văn hoá.

Giáo dục

Truyền thống cử nghiệp ở Yên Định phát triển vào loại sớm nhất Việt Nam, khi đạo Nho mới có mặt ở một số vùng. Vào thế kỷ VIII, hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục, người làng Sơn Ôi (nay là Tường Vân – Định Thành) thi đỗ tiến sĩ ở đất Trung Hoa thời Đường Đức Tông (780-804), nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong triều đình. Khi đạo Nho phát triển chế độ khoa cử bắt đầu từ cuối thế kỷ XI, thì liền trong vài ba thế kỷ, Yên Định vẫn chưa có người nối được bước chân của người đi trước mà phải đợi đến cuối thời Trần vào năm 1384, mới có người giành được học vị Thái học sinh. Dưới triều Lê, Mạc và Lê Trung hưng, sự nghiệp khoa cử ở Yên Định được dịp khai hoa kết trái. Theo số liệu thống kê (có thể chưa đầy đủ) thì trong mấy trăm năm thi cử Hán học, cả huyện Yên Định có 11 vị đỗ đại khoa.

Khương Công Phụ (Tường Vân – Định Thành) thi đỗ năm 784 (Trạng nguyên)(2).

Khương Công Phục (em ruột Khương Công Phụ) thi đỗ năm 784.

Hoàng Hối Khanh (Bái Trại – Định Tăng) thi đỗ năm 1384.

Trịnh Thiết Trường (làng Si – Định Bình) thi đỗ năm 1442 (Bảng nhãn).

Yên Đôn Lễ (Chân Lữ – Định Long) thi đỗ năm 1532.

Yên Đôn Phác (em sinh đôi với Yên Đôn Lễ) thi đỗ năm 1541.

Trịnh Cảnh Thụy (Chân Bái – Yên Bái) thi đỗ năm 1592.

Trịnh Minh Lương (Chân Bái – Yên Bái) thi đỗ năm 1680.

Trần Ân Chiêm (Định Tường) thi đỗ năm 1715.

Hà Tông Huân (Kim Vực – Yên Thịnh) thi đỗ năm 1724 (Bảng nhãn).

Trần Thiên Sưởng (Khoái Lạc – Yên Phú) thi đỗ năm 1775.

Ngoài ra, Yên Định còn có gần 20 cử nhân đỗ vào thời Nguyễn: Trịnh Nguyên Thục (Yên Định), Phạm Xuân Bích (Tràng Lang), Trịnh Trí Viễn (Yên Định), Nguyễn Văn Giai (Văn Bái), Trịnh Đình Diễn (Diên Thượng), Nguyễn Tư Thành (Phượng Lai), Trịnh Xuân Dương (Yên Định), Trịnh Thiện Dự (Yên Định), Phạm Viết Khởi (Hương Thị), Phạm Hữu Thi (Yên Hoành), Hà Duy Cán (Yên Cứu), Hoàng Trung Thông (Đông Lý), Trịnh Tuần, Trịnh Bưu (Yên Định), An Đôn Tố (Đa Lộc), Bùi Văn Đồng (Diên Hy), Hà Phạm Huy (Đan Nê)… Trường học ở Yên Định đã có rất sớm, từ năm Minh Mệnh thứ 7 (1827).

Để đạt được thành tựu về cử nghiệp, nhiều làng xã, đã đề ra hình thức khuyến học như miễn phu đài, tạp dịch, đặt học điền. Nhiều người như ông nghè Trần Ân Chiêm, trở thành thày dạy nổi tiếng, có 3 học trò thi đỗ đại khoa.

Truyền thống hiếu học của Yên Định ngày nay vẫn được kế tục. Các xã Định Hải, Định Thành, Định Liên… vẫn có hàng chục nhà khoa học đạt học vị Tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài; đã có cả học trò đạt giải cao kỳ thi toán quốc tế.

Ngoài ra, Yên Định có nhiều nhà quản lý, chính trị, quân sự, ngoại giao và văn học lỗi lạc, tiêu biểu như Khương Công Phụ, Hoàng Hối Khanh, Ngô Kinh, Trịnh Thiết Trường, Hà Tông Huân, Lê Đình Kiên…

Đội ngũ nhân tài của Yên Định ngày càng nối tiếp đông đảo và có mặt trên nhiều lĩnh vực.